NGÀNH TỔ CHỨC SỰ KIỆN VÀ NHỮNG THÔNG TIN BẠN CẦN BIẾT
- Dang Thi Bich Nga
- 3 thg 4
- 5 phút đọc
Ngành tổ chức sự kiện đã không còn gì xa lạ với tất cả chúng ta, đặc biệt là với các bạn trẻ có niềm đam mê, nhiệt huyết với công việc tổ chức sự kiện. Nếu bạn có đam mê theo học và mong muốn làm việc trong ngành này, thì đây chính là bài viết giành cho bạn!
Ngành Tổ Chức Sự Kiện Là Gì?
Ngành tổ chức sự kiện (Event Management) là lĩnh vực chuyên về lên kế hoạch, thiết kế, quản lý và thực hiện các sự kiện như hội nghị, hội thảo, khai trương, triển lãm, tiệc cưới, ra mắt sản phẩm, sự kiện thể thao, lễ hội... Các sự kiện này có thể phục vụ mục đích thương mại, giải trí hoặc cá nhân..
Một sự kiện thành công không chỉ dừng lại ở việc diễn ra suôn sẻ mà còn phải đạt được mục tiêu đề ra, mang đến trải nghiệm ấn tượng cho khách tham dự.

Tại Sao Ngành Tổ Chức Sự Kiện Lại Có Nhiều Sức Hút Đến Vậy?
Mặc dù là một ngành nghề không còn mới mẻ, nhưng tổ chức sự kiện vẫn liên tục thu hút mạnh mẽ giới trẻ nhờ những lý do sau:
Cơ hội việc làm rộng mở: Ngành tổ chức sự kiện tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với đa dạng loại hình, từ sự kiện quốc tế, âm nhạc, thể thao đến hội nghị doanh nghiệp. Mỗi sự kiện đều cần những người có tư duy sáng tạo, linh hoạt, đam mê và sẵn sàng học hỏi.
Thu nhập hấp dẫn: Đây là một nghề đòi hỏi sự chỉn chu, khả năng chịu áp lực cao, nhưng bù lại, những người làm sự kiện thường có mức thu nhập khá tốt.
Trải nghiệm phong phú: Làm sự kiện không gò bó trong một không gian cố định mà mang lại cơ hội di chuyển, tiếp xúc với nhiều khách hàng, đối tác và mở rộng mối quan hệ.
Phát triển kỹ năng toàn diện: Công việc này giúp bạn rèn luyện hàng loạt kỹ năng quan trọng như làm việc nhóm, lập kế hoạch, giao tiếp, đàm phán, sáng tạo nội dung, thuyết trình và thuyết phục khách hàng.
Hoàn thiện bản thân: Để theo đuổi nghề tổ chức sự kiện lâu dài, bạn không chỉ cần nâng cao chuyên môn mà còn phải liên tục trau dồi cả ngoại hình lẫn phong thái chuyên nghiệp, giúp bản thân ngày càng hoàn thiện hơn.
Học Ngành Gì Để Trở Thành Chuyên Viên Tổ Chức Sự Kiện?
Bạn có thể lựa chọn theo học các ngành như: Quản lý sự kiện, PR, Quản trị sự kiện, Truyền thông, Marketing…
Nếu tốt nghiệp đúng chuyên ngành và ứng tuyển vào các vị trí trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, bạn sẽ có khoảng 20% lợi thế khi gặp gỡ nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn mà nhà tuyển dụng thực sự quan tâm không phải là bằng cấp, mà chính là kinh nghiệm thực tế của bạn trong ngành. Những hoạt động như tình nguyện viên sự kiện, tham gia tổ chức sự kiện tại trường, hay làm thêm trong lĩnh vực này đều là điểm cộng lớn. Nếu bạn là một người năng động, chủ động tham gia các sự kiện ngay từ khi còn là sinh viên, thì xin chúc mừng, bạn đã sở hữu những “tố chất” của một chuyên gia tổ chức sự kiện rồi đấy!
Những Công Việc Có Thể Làm Trong Ngành Tổ Chức Sự Kiện
Để một sự kiện diễn ra thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bộ phận. Vì vậy, ngành tổ chức sự kiện bao gồm nhiều vị trí công việc khác nhau, với mức lương đa dạng tùy theo vai trò và kinh nghiệm
1. Đạo diễn sự kiện
Đạo diễn sự kiện có thể là một cá nhân hoặc một ê-kíp, giữ vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng ý tưởng và triển khai sự kiện. Các nhánh công việc trong vị trí này bao gồm: Đạo diễn sân khấu; Đạo diễn kịch bản; Đạo diễn âm nhạc; Đạo diễn ánh sáng;...
2. Điều phối viên sự kiện
Là những người thường mặc đồ đen, cầm bộ đàm và có mặt ở những vị trí quan trọng như bàn điều khiển, hậu trường sân khấu hoặc khu vực đón tiếp khách. Công việc của họ là đảm bảo mọi hạng mục diễn ra đúng kế hoạch, từ nhân sự, âm thanh, ánh sáng đến các khâu vận hành khác.

3. Nhân viên kinh doanh sự kiện
Cần hiểu rõ thị trường và có khả năng tư vấn cho khách hàng về mọi khía cạnh của sự kiện, từ nhân sự, thiết bị đến địa điểm. Ngoài kinh nghiệm, vị trí này cũng đòi hỏi ngoại hình ưa nhìn, khả năng giao tiếp khéo léo và mối quan hệ rộng.
4. Thiết kế
Chia thành hai lĩnh vực chính:
Thiết kế 2D: Chịu trách nhiệm về các ấn phẩm sự kiện như backdrop, standee, banner, quà tặng, hồ sơ thầu sự kiện…
Thiết kế 3D: Dựng bối cảnh không gian sự kiện bằng mô hình 3D, đòi hỏi kỹ năng cao hơn so với thiết kế 2D.

5. Nhân sự hỗ trợ sự kiện:
Lực lượng này thường là sinh viên thực tập, PB (Promotion Boy), PG (Promotion Girl), hoặc cộng tác viên thời vụ. Họ đảm nhận các công việc như hỗ trợ MC, gắn micro cho ca sĩ, dán sticker, hướng dẫn khách, hoặc sắp xếp thiết bị.
6. Kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng
Đây là những người điều khiển hệ thống ánh sáng và âm thanh theo yêu cầu của đạo diễn sự kiện, đảm bảo hiệu ứng sân khấu hoàn hảo.

7. Content sự kiện
Là người chịu trách nhiệm xây dựng nội dung, lên ý tưởng và triển khai các hoạt động truyền thông trước, trong và sau sự kiện. Công việc này bao gồm viết bài quảng bá, xây dựng kịch bản, sáng tạo thông điệp và sản xuất nội dung truyền thông
Những Tố Chất Để Trở Thành Chuyên Viên Tổ Chức Sự Kiện
Đam mê & Chăm chỉ: Yêu nghề giúp bạn vượt qua áp lực và thử thách.
Sức khỏe tốt: Công việc đòi hỏi di chuyển nhiều, làm việc khuya và chịu áp lực cao.
Ngoại hình ưa nhìn: Hỗ trợ trong giao tiếp và tạo ấn tượng với khách hàng.
Giao tiếp & Đàm phán tốt: Giúp xử lý tình huống, đàm phán và kết nối đội nhóm.
Kỹ năng quản lý: Quản lý nhân sự, thiết bị và sắp xếp công việc khoa học.
Bình tĩnh & Linh hoạt: Giữ tinh thần vững vàng để xử lý mọi sự cố.
Ngoại ngữ: Lợi thế lớn khi làm việc với khách hàng và tham khảo tài liệu quốc tế.
Ngành tổ chức sự kiện không chỉ là một công việc đầy thử thách mà còn là một hành trình thú vị dành cho những ai đam mê sáng tạo, thích chinh phục thử thách và mong muốn mang lại những trải nghiệm đáng nhớ cho người khác. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sự kiện tại Việt Nam và trên thế giới, cơ hội luôn rộng mở cho những ai dám dấn thân, không ngừng học hỏi và rèn luyện bản thân.
Nếu bạn yêu thích sự năng động, sáng tạo và mong muốn trở thành một phần của những sự kiện ấn tượng, đừng ngần ngại theo đuổi ngành nghề này. Hãy bắt đầu bằng việc trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm thực tế ngay từ hôm nay – vì biết đâu, trong tương lai không xa, bạn sẽ là người đứng sau những sự kiện đẳng cấp, chuyên nghiệp và đầy cảm hứng.